Hướng dẫn cách sử dụng thước Lỗ Ban chính xác
Tóm lại, nếu muốn dùng thước Lỗ Ban hiện đại chuẩn xác, trước hết người dùng cần phân biệt rõ cung số và tính năng của nó so với loại thước Đinh Lan. Lưu ý thước Lỗ Ban luôn nằm ở hàng trên (dương), còn thước Đinh Lan ở hàng dưới (âm). Độ số đều được tính theo mét hoặc centimet… để xác định các kích thước tương ứng.
Thực chất thước Lỗ Ban có cấu tạo đơn nhất, gồm 8 cung liên tiếp nhau là: Tài – Bệnh – Ly – Nghĩa – Quan – Kiếp – Hại – Bản, có độ dài 42.9cm. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng, ngày nay thước được tích hợp thêm phần độ số tính theo centimet và một thước khác gồm 10 cung số, vì vậy cần hiểu rõ tính năng của nó thì việc sử dụng mới chính xác.
Thời gian gần đây, trên các mạng phong thủy cũng như một số tài liệu khác nhau đều cho rằng thước Lỗ Ban gồm có 3 loại: Loại dài 38.8 cm (10 cung), loại dài 42.9 cm (8 cung) và loại có độ dài 52.2cm. Tuy nhiên các tài liệu đều không nói rõ tính năng và cách dùng cụ thể của từng loại. Đây cũng chính là mấu chốt cho thấy sự mơ hồ của các tài liệu khi giới thiệu thước Lỗ Ban.
Khởi thủy, thước Lỗ Ban chỉ có duy nhất một loại, còn có tên gọi khác (không xác định được thời gian xuất hiện) là “Bát xích” (nguyên nhân có lẽ vì nó được chia làm 8 cung). Loại thước này chuyên dùng để lựa chọn độ số (thông thủy) tốt, tránh các độ số xấu khi xây dựng thiết kế nhà cửa hoặc sản xuất các đồ dùng phục vụ con người trong đời sống hàng ngày. Trong thuật ngữ phong thủy, loại thước này còn được gọi là “Dương xích”.
Trên thước Lỗ Ban hiện đại (loại thước dây), độ số Lỗ Ban được thể hiện ở hàng thứ 3 từ dưới lên (tức thứ 2 từ trên xuống) nếu là loại thước gồm 4 dãy độ số. Còn nếu bỏ đi 2 hàng độ dài đo theo đơn vị centimet (cm), mét (m) thì thước Lỗ Ban hiện đại chỉ gồm 2 dãy cung số, trong đó số Lỗ Ban ở phía trên.
thước Lỗ Ban
Hiểu rõ tính năng và các thông số thì việc sử dụng thước Lỗ Ban mới chính xác
Khi xây dựng nhà cửa hoặc cần lấy kích thước cho các loại vật dụng phục vụ cuộc sống, người dùng chỉ cần lựa chọn khoảng thông thủy trong các cung đỏ của dãy số ở thước phía trên là được, chứ không cần thiết phải chọn những khoảng thông thủy cùng nằm trong cung tốt (2 đỏ) của cả hai thước trên và thước dưới.
Riêng với các loại công trình kiến trúc hoặc vật dụng được xếp vào loại “xấu” chẳng hạn như nhà vệ sinh, bể phốt hay sọt đựng rác, thùng đổ phế thải…thì sẽ chọn kích thước thông thủy trong phạm vi các cung đánh dấu “đỏ”.
Khi xây dựng nhà ở, nhiều người có tính cầu toàn thường kết hợp chọn cả “2 đỏ” cho khoảng thông thủy của độ cao trần nhà, nhưng điều này chủ yếu là dành cho hệ thống cổng, cửa… Cụ thể, các độ số thông thủy tương thích, sự hài hòa của cổng, cửa như sau:
– Kích thước cửa sổ: Rộng 88cm, cao 1,45m cộng thêm ô thoáng 41 x 41cm hoặc 42 x 42cm.
– Kích thước cửa thông phòng (tức cửa đi giữa các phòng): rộng 81cm x cao 1,76m + ô thoáng 41 x 41cm; hoặc rộng 86cm x cao 1,92m + ô thoáng 42 x 42cm.
– Kích thước cửa chính 2 cánh: rộng 1,76m x cao 2,31m + ô thoáng 42 x 42cm; loại cửa 2 cánh (60cm/cánh): cao 2,17m + ô thoáng 41 x 41cm.
– Kích thước cửa 4 cánh (2,15m) trong đó 2 cánh giữa mỗi cánh 60cm; hai cánh còn lại nhỏ hơn; cao 2,31m + ô thoáng 42 x 42cm.
– Kích thước cổng ngoài (rộng) gồm các thông số sau: 2,75m; 2,81m; 2,95m; 3,01m; 3,21m; 3,41m; 3,47m; 3,61m; 3,81m; 3,91m; 4,07m; 4,11m; 4,25m; 4,31m; 4,45m; 4,50m; 4,66m; 4,70m; 4,76m; 4,88m; 4,95m; 5,09m; 5,15m; 5,35m… Chiều cao của cổng chỉ cần chọn số tốt tương ứng là được. Chẳng hạn: rộng 2,75m; cao 3,21m + ô thoáng 41cm + nóc mái cổng 20,75cm.
Cần lưu ý, tại các cửa hàng còn bán loại thước gọi là thước Lỗ Ban 10 cung (dài 38.8cm) tích hợp ở hàng thứ 2 từ dưới lên (tức hàng thứ 3 từ trên xuống) trong thước Lỗ Ban hiện đại thực chất là thước Đinh Lan.
Thước Đinh Lan bao gồm 10 cung, đó là: Đinh – Hại – Vượng – Khổ – Nghĩa – Quan – Tử – Hưng – Thất – Tài. Loại thước này chuyên được dùng để đo độ số tốt – xấu của âm trạch, do đó nó còn có tên gọi là “Âm xích”.
Tên thước Đinh Lan xuất phát là tên một người con chí hiếu đối với cha mẹ. Tương truyền, mẹ của Đinh Lan mất sớm, khi ông còn nhỏ tuổi. Vừa thương phận mình côi cút vừa ngày đêm nhớ thương mẹ nên Đinh Lan đã dùng gỗ tạc tượng mẹ với các độ số chuẩn xác và sinh động như người còn sống để có thể sớm khuya phụng sự.
Điển tích này cũng từng được Tào Thực ghi lại trong “Linh chi thiên”. Người đời sau dùng kích thước này để chia thành các cung số tốt – xấu khi tạc tượng, làm bài vị hoặc sản xuất đồ thờ tự, xây cất mồ mả, tự đường…
Như vậy, khi đo độ số cho các công trình liên quan đến “âm trạch” và tất cả đồ đạc liên quan đến “người âm” hoặc thần phật, chúng ta không nên chọn các cung số có “2 đỏ”. Cụ thể độ số của thước Đinh Lan có các cung tốt gồm: Đinh (thêm người, sinh con trai) – Vượng (thịnh vượng, tiến tài) – Nghĩa (lợi lớn, vận thông) – Quan (thăng chức, tước lộc) – Hưng (vượng vận, phát triển) và Tài (tài lộc dồi dào).
Ngoài ra độ số trên thước Đinh Lan còn được dùng để xác định khoảng cách kê đặt giữa các bức tượng, ngôi mộ, ban thờ, cũng như khoảng cách giữa các bài vị, đồ thờ cúng bày trên ban thờ…
Còn loại thước Lỗ Ban có độ dài 52.2cm, hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc cũng như tính năng sử dụng. Một số quan điểm cho rằng, đây là thước do “hậu thế” tích hợp từ độ số của Lỗ Ban và Đinh Lan, tuy nhiên lại không đưa ra được bằng cứ thuyết phục, vì vậy tốt nhất không nên sử dụng loại thước này.
Tóm lại, nếu muốn dùng thước Lỗ Ban hiện đại chuẩn xác, trước hết người dùng cần phân biệt rõ cung số và tính năng của nó so với loại thước Đinh Lan. Lưu ý thước Lỗ Ban luôn nằm ở hàng trên (dương), còn thước Đinh Lan ở hàng dưới (âm). Độ số đều được tính theo mét hoặc centimet… để xác định các kích thước tương ứng.
Leave a Reply